Kết quả bước đầu thực hiện Mô hình “Can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống” ở Ba Bể

Sau hơn một năm triển khai Mô hình “Can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống” tại 3 xã: Hà Hiệu, Phúc Lộc, Bành Trạch và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Ba Bể đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu.

Ngay từ đầu năm, Trung tâm Dân số Kế hoạch hoá gia đình huyện Ba Bể đã chủ động bán sát và các chương trình, mục tiêu Quốc gia, xây dựng kế hoạch truyền thông cụ thể cho từng địa phương và thành lập Ban chỉ đạo thực hiện mô hình tại 3 xã và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện. Đồng thời, phân công cán bộ trực tiếp phối hợp với Ban Dân số các xã và Ban giám hiệu nhà trường thành lập các đội cộng tác viên tình nguyện; câu lạc bộ không tảo hôn và kết hôn cận huyết thống… đẩy mạnh công tác truyền thông đến vùng dân tộc thiểu số, vùng có mức sinh cao.

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Ba Bể đã thành lập được tủ sách pháp luật nhằm trang bị những kiến thức về pháp luật, dân số – kế hoạch hoá gia đình cho học sinh.

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm đến nay tại 3 xã thực hiện mô hình, có khoảng gần 60 cặp kết hôn, trong đó có 4 cặp tảo hôn, giảm 4 cặp so với cuối năm 2011. Ông Đàm Văn Bách – Giám đốc Trung tâm Dân số và Kế hoạch hoá gia đình huyện Ba Bể cho biết: Trên thực tế tình trạng tảo hôn tại 3 xã thí điểm mô hình nói riêng và toàn huyện nói chung, con số này vẫn chưa được thống kê đầy đủ bởi nhiều lý do, những cặp tảo hôn thường không thực hiện các thủ tục đăng ký kết hôn, hoặc sống với nhau không ổn định, khi chính quyền địa phương phát hiện và vận động họ lại về nhà bố mẹ đẻ ở, sau đó lén qua lại, những trường hợp như vậy rất khó xác định và thường xảy ra ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng trình độ dân trí còn thấp.

Những nội dung về Mô hình “Can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống” đã được nhà trường lồng ghép trong các giờ sinh học trên lớp.

Tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện, sau hơn một năm triển khai mô hình, đến nay không còn tình trạng học sinh bỏ học, hoặc tranh thủ thời gian nghỉ lễ, tết dài ngày về lấy chồng, lấy vợ. Thầy giáo Nông Văn Thấm – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngay từ khi bắt đầu triển khai mô hình này thì Ban giám hiệu nhà trường đã thành lập bộ phận tuyên truyền, các nội dung của chương trình đã được chuyển tải cụ thể đến học sinh qua các buổi sinh hoạt ngoại khoá, lồng ghép với các tiết học môn Sinh học. Bên cạnh đó, ngoài những đầu sách tham khảo, thư viện đã lập thêm tủ sách pháp luật nhằm trang bị cho các em những kiến thức về pháp luật, về công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình… Mô hình đã thật sự phát huy hiệu quả, nhà trường không còn tình trạng tảo hôn như trước đây.

Ông Đàm Văn Bách cho biết thêm: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các xã thực hiện thí điểm mô hình vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số do bất đồng về ngôn ngữ; trình động cộng tác viên, cán bộ dân số cấp cơ sở còn nhiều yếu kém, chưa đáp ứng được công việc đề ra… Để khắc phục được những hạn chế này, lược lượng cộng tác viên, cán bộ dân số cơ sở cần được quan tâm, bồi dưỡng nhiều hơn về kiến thức dân số – kế hoạch hoá gia đình ở từng giai đoạn cụ thể./.

Bài tiếp theoGiúp phụ nữ dân tộc thiểu số có cơ hội tiếp cận các dịch vụ phát triển sinh kế