Chăn nuôi trâu, bò theo phương thức bán chăn thả là giải pháp hiệu quả đã và đang trở thành phong trào rộng rãi ở xã Bành Trạch. Nhiều hộ nông dân đã thực sự thoát nghèo và đây cũng chính là giải pháp tích cực trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ở địa phương./.
Ông Sằm Văn Bóng ở thôn Pác Pỉn là hộ dân đã có nhiều năm kinh nghiệm trong chăn nuôi gia súc. Ban đầu từ chăn nuôi lợn, dê và đến nay chủ yếu ông nuôi trâu, bò đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Hiện nay gia đình ông đang nuôi 5 con bò 4 con trâu, với hình thức bán chăn thả, ông vừa kết hợp trồng cỏ voi để hỗ trợ thức ăn đồng thời vừa chăn thả trên những diện tích vườn đồi, trâu bò của gia đình ông luôn phát triển khỏe mạnh và tăng đàn theo từng năm.
Ảnh: Ông Sằm Văn Bóng thôn Pác Pỉn chăm sóc đàn bò của gia đình.
Ông Cống Văn SLiển – Trưởng thôn Pác Pỉn cho chúng tôi biết: Thôn hiện có 57 hộ thì có tới trên 50 hộ đều chăn nuôi trâu bò và dê để phát triển kinh tế. Hộ nuôi ít cũng có từ 3 -5 con, hộ nhiều có tới hàng chục con trâu bò và vài chục con dê. Mỗi năm, từ số lượng tăng đàn, các hộ bán đi cũng có thu nhập tới vài chục triệu đồng. Đây là một nguồn thu nhập lớn đối với những hộ dân sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Nhiều năm nay, với diện tích đất nông nghiệp sẵn có, người dân thôn Nà Lần đã chủ động gieo cấy những loại cây trồng phù hợp để phục vụ đời sống như lúa, ngô. Bên cạnh đó, nhiều diện tích đất khô hạn thiếu nước, bà con cũng mạnh dạn trồng cỏ voi để phục vụ chăn nuôi gia súc. Ông Lộc Văn Quỷ, một hộ dân trong thôn đã nuôi gia súc từ nhiều năm nay chia sẻ: Nuôi trâu bò không khó, chủ yếu phải cung cấp đủ thức ăn và đảm bảo các điều kiện chăm sóc và chăn thả thì gia súc phát triển tốt. Lợi thế của chăn nuôi trâu, bò là tận dụng được nguồn đất bỏ hoang để trồng cỏ làm thức ăn. Ngoài ra, trâu bò cũng ăn thêm các thức ăn khác như mía, ngô và các phụ phẩm nông nghiệp bà con làm ra nên tiết kiệm nhiều chi phí. Hiện gia đình ông đang nuôi 6 con trâu, mỗi năm được bán 1-2 con đem lại nguồn thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình.
Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp đang dần chuyến hướng cơ giới hóa, người dân không còn quá phụ thuộc vào sức kéo của trâu bò để phục vụ sản xuất thì chăn nuôi cũng đang phát triển trở thành hàng hóa đem lại nguồn thu đáng kể góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Theo chính quyền xã Bành Trạch, mỗi năm tổng đàn gia súc của xã đều tăng. Để duy trì ổn định và phát triển tổng đàn thì xã đã có nhiều chính sách hỗ trợ về con giống, kỹ thuật chăm sóc cũng như định hướng phát triển cho người dân. Đến nay tổng đàn gia súc toàn xã có trên 6.300 con trong đó trâu bò có gần 2000 con, dê gần 1000 con và lợn trên 3000 con. Từ thực tiễn ở địa phương cho thấy, đây là mô hình phù hợp, vừa ổn định, bền vững lại cho hiệu quả cao. Bà con mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, đầu tư vốn vay của các Ngân hàng để người dân có điều kiện chăn nuôi tốt hơn