Dự án “Nâng cao năng lực phụ nữ dân tộc thiểu số trong tiếp cận cơ hội và dịch vụ phát triển sinh kế”là một trong những chương trình do Tổ chức Care International tài trợ cho tỉnh Bắc Kạn. Sau 1 năm triển khai, dự án đã mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần tích cực giúp phụ nữ vùng cao xoá đói, giảm nghèo.
Các diễn đàn được Dự án tổ chức đã đem lại sự bình đẳng và tự tin cho phụ nữ dân tộc thiểu số.
Dự án “Nâng cao năng lực phụ nữ dân tộc thiểu số trong tiếp cận các cơ hội và dịch vụ phát triển sinh kế” (Chương trình CASI giai đoạn III) được UBND tỉnh Bắc Kạn phê duyệt tại Quyết định số 2294/QĐ-UBND ngày 28/10/2010 với mục tiêu nâng cao thu nhập kinh tế hộ gia đình và vị thế của phụ nữ người dân tộc thiểu số tại 03 xã: Phúc Lộc, Bành Trạch (Ba Bể), Côn Minh (Na Rì)- thông qua việc tiếp cận các cơ hội và dịch vụ phát triển kinh tế tốt hơn. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bắc Kạn là cơ quan thường trực của dự án. Cùng với đó có một hệ thống các đơn vị, tổ chức liên qua cùng chung tay thực hiện như: các Trạm Khuyến nông – khuyến lâm huyện Na Rì, Ba Bể; đại diện Ban KN-KL, Hội Phụ nữ các xã tham gia dự án, đại diện 13 Câu lạc bộ Pháp luật và Đời sống (LARC).
Đến nay, dự án đã đạt được những kết quả đáng khích lệ như: Năng lực tiếp cận các nguồn lực và dịch vụ cho phát triển sinh kế của các thành viên CLB được nâng cao, giúp cải thiện thu nhập một cách bền vững; 60 thành viên CLB tại 3 xã dự án đã có khả năng sử dụng phương pháp “Phân tích chuỗi giá trị” để phân tích sinh kế; 13 CLB sử dụng kết quả phân tích chuỗi giá trị để đề xuất và có kế hoạch cải thiện và tiếp cận dịch vụ; 45 thành viên CLB được tập huấn và có thể viết các đề xuất để kiến nghị sự hỗ trợ của dự án 3PAD; 2 CLB mới tại xã Côn Minh được thành lập và được chính quyền địa phương chứng nhận; 26 thành viên BCN của 13 CLB được nâng cao các kỹ năng thúc đẩy, phân tích vấn đề, điều hành cuộc họp… Hai nhóm tín dụng tiết kiệm thôn bản được thành lập và đi vào hoạt động, tạo cơ hội cho các thành viên là phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận tới dịch vụ tín dụng…
Có thể nói, mạng lưới CLB được thành lập đã tạo môi trường thuận lợi cho phụ nữ nghèo vùng cao chia sẻ thông tin và kinh nghiệm sản xuất, nâng cao năng lực, tham gia tích cực vào tiến trình ra quyết định liên quan đến cơ hội phát triển kinh tế, cung cấp dịch vụ và thực hiện chính sách ở địa phương. Các CLB này tạo môi trường cho phụ nữ tham gia, chia sẻ và tăng cường tiếng nói của họ. Các hoạt động của CLB đã được nhân rộng ra các xã khác của vùng dự án 3PAD và chia sẻ ở cấp tỉnh, quốc gia, góp phần cải thiện tốt hơn đời sống cho phụ nữ nghèo người dân tộc thiểu số nói chung…
Khi tổng kết hoạt động của dự án, nhiều kinh nghiệm quý đã được chỉ ra. Trong đó nội dung đáng chú ý là: Chính việc lồng ghép chặt chẽ các hoạt động của dự án với các chương trình, chính sách phát triển của địa phương tại các cấp (như Chương trình 135, 30a, 3PAD) đã đem lại nhiều hiệu quả, giúp phụ nữ người dân tộc thiểu số có nhiều điều kiện để vươn lên trong xoá đói, giảm nghèo./.