Những năm gần đây, huyện Ba Bể đã có nhiều chương trình, dự án đầu tư hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội, trong đó Dự án “Quan hệ đối tác vì người nghèo trong phát triển nông lâm nghiệp” (3PAD) đã góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo của địa phương.
Năm 2012, là năm thứ 3 dự án 3PAD triển khai tại địa bàn huyện Ba Bể, thông qua các hoạt động quy hoạch sử dụng và giao đất lâm nghiệp; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; hỗ trợ cho vay vốn và thực hiện chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông lâm nghiệp bằng các hợp đồng cung cấp dịch vụ dựa trên kết quả đầu ra. Năm 2012, dự án thực hiện triển khai hoạt động Quỹ Phát triển cộng đồng (CDF) tại 16 xã, thị trấn; lập kế hoạch sử dụng nguồn quỹ CDF năm 2013 tại 15 xã trên địa bàn; quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp được thực hiện tại 04 xã với tổng diện tích trên 18.000 ha, đo giao đất lâm nghiệp có sự tham gia tại xã Phúc Lộc với diện tích trên 1.000 ha cho 261 hộ. Hợp phần này đã giúp nâng cao hiểu biết và năng lực của người dân trong công tác quy hoạch sử dụng đất và giao đất lâm nghiệp có sự tham gia, tạo điều kiện giúp người dân yên tâm sản xuất. Đến nay, đã thực hiện giải ngân được 1.057 triệu đồng với trên 3.000 hộ tham gia vay vốn, trong đó có 1.109 hộ nghèo. Trong xây dựng cơ sở hạ tầng, 21 công trình thuộc dự án đến nay đã thi công xong. Tổng số hộ hưởng lợi từ các công trình này là 568 hộ, trong đó có 218 hộ nghèo, 140 hộ cận nghèo. Đối với các hợp đồng cung cấp dịch vụ khuyến nông dựa trên kết quả đầu ra, trong năm, dự án đã thực hiện được 66 hợp đồng. Tổng số hộ hưởng lợi hơn 3.000 hộ, trong đó có 1.109 hộ nghèo…
Hơn 2 năm qua, dự án 3PAD đã triển khai một số mô hình phù hợp chonhững xã nằm trong vùng đệm, vùng lõi vườn Quốc gia Ba Bể như Nam Mẫu, Khang Ninh. Giúp người dân xóa nghèo, nâng mức thu nhập bằng các hoạt động như: Mở lớp dạy nghề thêu, làm sản phẩm quà lưu niệm phục vụ khách đến tham quan du lịch; triển khai nhóm sở thích trồng ngô lai, lúa lai, chăn nuôi lợn thịt, nuôi cá ao, nuôi lợn nái. Khi triển khai mô hình, người dân được cán bộ dự án hướng dẫn cụ thể tại thôn theo từng quy trình, giai đoạn. Dự án đã thông qua sự tài trợ của Đại sứ quán Úc, xây cho thôn Đán Mẩy được 2 phòng học mầm non, hiện nay đã nghiệm thu đưa vào sử dụng. Năm 2013, dự án này tiếp tục cho bà con vay vốn từ nguồn vốn CDF để phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn, tối đa 6 triệu đồng/hộ, thời gian vay 2 năm.
Ở xã Bành Trạch, cũng đã được đầu tư công trình thủy lợi mương Nà Pài – Nà Lần; đập mương Khuổi Xỏm – Khuổi Slẳng đưa vào sử dụng, đáp ứng việc nước tưới tiêu cho sản xuất. Tại đây dự án đã hỗ trợ nhiều hoạt động như: Giải ngân xong hồ sơ vay vốn trồng xen cây lâm nghiệp cho hơn 70 hộ; tập huấn kỹ thuật trồng dong riềng, trồng bí xanh thơm, nuôi lợn thịt, lợn nái sinh sản, nuôi gà ta lai mía thả vườn, kỹ thuật trồng hồng không hạt…
Xã Thượng Giáo đã và đang được nguồn vốn của dự án đầu tư mở đường vào khu sản xuất Lủng Coỏng – Mỏ Đá, với trị giá gần 1 tỷ đồng; bên cạnh đó còn có các công trình đập mương Nà Ấm, thôn Nà Khuổi; tổ chức tập huấn, cấp giống, phân bón cho nhóm sở thích trồng cỏ bảo tồn đất dốc… Với sự đầu tư, hỗ trợ từ dự án, hai năm trở lại đây tỉ lệ hộ nghèo của xã Thượng Giáo đã giảm còn khoảng 17%.
Dự án 3PAD trong những năm qua đã hỗ trợ đào tạo giúp người dân ở các xã Khang Ninh, Quảng Khê, Nam Mẫu, những địa phương trong vùng lõi, vùng đệm vườn Quốc gia học nghề thêu làm sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách khi đến hồ Ba Bể tham quan nghỉ mát.
Đối với phương pháp thực hiện các hợp đồng cung cấp dịch vụ dựa trên kết quả đầu ra, luồng đầu tư 21% quỹ CDF đã góp phần lớn vào việc nâng cao năng lực sản xuất cho bà con. Trong đó, mô hình ủ chua thức ăn cho lợn thịt- triển khai ở các thôn Bản Hán, Bản Lài, Pác Chi của xã Chu Hương đã được bà con áp dụng vào thực tế rất hiệu quả. Trọng lượng lợn thịt tăng 10-15% sau 3 – 4 tháng chăn nuôi so với cách chăn nuôi cũ. Mô hình trồng chuối tây tại thôn Lỏng Lứng xã Yến Dương đã giúp năng suất chuối trung bình tăng từ 15kg/buồng lên 18-25kg/buồng.
Có thể nói, ngoài việc tác động tích cực vào công tác giảm nghèo, dự án 3PAD còn làm thay đổi ý thức sản xuất, năng lực và kiến thức của người dân. Tổng sản lượng lương thực của huyện Ba Bể hai năm trở lại đây luôn đạt trên dưới 26 nghìn tấn, bình quân lương thực đầu hiện đạt gần 600kg/người/năm.
Để tiếp tục thực hiện dự án, giúp người dân thoát nghèo bền vững, trong những năm tới Ban quản lý dự án 3PAD huyện tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hợp phần; khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của địa phương; tiếp tục hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã, nhất là các thôn bản vùng cao, vùng dân tộc thiểu số có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao./.